Quản lý quan hệ khách hàng hay CRM ( tiếng Anh: Customer relationship management) là một phương pháp giúp các doanh nghiệp tiếp cận và giao tiếp với khách hàng một cách có hệ thống và hiệu quả, quản lý các thông tin của khách hàng như thông tin doanh nghiệp, nhu cầu, đầu mối liên lạc…nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, chuyên nghiệp và khoa học hơn.
Thông qua hệ thống quan hệ khách hàng, các thông tin của khách hàng sẽ được cập nhật và được lưu trữ tập trung trong hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu. Doanh nghiệp có thể phân tích, hình thành danh sách khách hàng tiềm năng, triển vọng và khách hàng thân thiết, VIP,... để đề ra những chiến lược chăm sóc khách hàng hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể xử lý các vấn đề vướng mắc của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Quản lý quan hệ khách hàng cung cấp một hệ thống đáng tin cậy, giúp quản lý khách hàng và nhân viên, cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên với khách hàng. Một chính sách quan hệ khách hàng hợp lý còn bao gồm chiến lược đào tạo nhân viên, điều chỉnh phương pháp kinh doanh và áp dụng một hệ thống công nghệ thông tin phù hợp. Quan hệ khách hàng không đơn thuần là một phần mềm hay một công nghệ mà còn là một chiến lược kinh doanh bao gồm cả chiến lược tiếp thị, đào tạo và các dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng tới khách hàng. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một giải pháp quan hệ khách hàng hợp lý dựa trên tiêu chí đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, quan tâm tới nhu cầu của khách hàng nhằm đạt được mục đích là duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng và đạt được lợi nhuận tối đa trong kinh doanh.
Tóm lại, CRM là tập hợp các công tác quản lý, chăm sóc và xây dựng mối quan hệ giữa các khách hàng và doanh nghiệp.
Mục lục
Lợi ích của việc ứng dụng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng
Việc áp dụng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng có thể có một số lợi ích như sau cho doanh nghiệp:
- Chất lượng và hiệu quả
- Giảm giá thành tổng thể vì tiết kiệm chi phí cho việc quản lý
- Hỗ trợ việc đưa ra các quyết định
- Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
- Có chiến lược phát triển kế hoạch
- Thúc đẩy sự phát triển sản phẩm
Điều kiện để ứng dụng phần mềm CRM thành công
Xây dựng được tầm nhìn CRM:
Có nghĩa là xác định được vị trí của doanh nghiệp trên thị trường, định hướng phân khúc khách hàng, thiết lập các mục tiêu về khách hàng, định ra thước đo giám sát hoạt động của chiến lược.
Sự thống nhất trong nội bộ:
Không chỉ riêng CRM mà tất cả các chiến lược một khi triển khai cần phải có sự thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các nhân viên bình thường. Phải nhìn nhận CRM như một chiến lược chung, một công việc chung liên quan đến mọi cá nhân trong doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp mới chỉ chậm chững những bước đầu tiên áp dụng mô hình CRM, điều cần thiết phải tổ chức một cuộc họp giữa các phòng, ban, bộ phận trong doanh nghiệp, để họ nói lên nhu cầu của mình về CRM. Từ đó, quản trị viên có thể biết được các bộ phận cần những gì từ CRM, cần những gì để triển khai thông suốt CRM trong từng bộ phận . Có thể có nhiều khả năng, sẽ thấy những nhu cầu, điều kiện của các phòng, ban, bộ phận đề ra là rất khác nhau. Vai trò của quản trị viên là phải dung hoà được những mâu thuẫn đó, đáp ứng được những điều kiện cơ bản, có thể khác nhau, của các phòng, ban, nhưng vẫn đảm bảo hệ thống CRM thống nhất trong toàn doanh nghiệp.
Không nên chạy theo trào lưu "hi-tech" khi "low-tech" vẫn hoạt động tốt:
Các tổ chức áp dụng thành công CRM luôn tìm kiếm phương án đơn giản nhất, tiết kiệm chi phí nhất khi triển khai kế hoạch CRM. Một giải pháp low-tech đơn giản và thân thiện với tất cả mọi người, từ nhân viên đến khách hàng của doanh nghiệp, vẫn sẽ hiệu quả hơn một giải pháp hi-tech cồng kềnh, tốn kém và kém thân thiện.
Văn hóa doanh nghiệp và CRM:
Một hệ thống CRM không chỉ là một gói phần mềm mới. Đó là cả một thay đổi về tư duy chiến lược, về cách thức kinh doanh, về cách quản lý nhân sự. Thành công với mô hình CRM phần lớn nhờ vào những công nhân viên sẵn sàng chia sẻ thông tin về khách hàng và đối tác. Tinh thần cộng tác này cần phải được huấn luyện bài bản và thống nhất. Các nhân viên có thể nghĩ rằng khi chia sẻ thông tin, họ đồng thời đánh mất cơ hội cho người khác. Tuy nhiên, nếu công nhân viên hiểu rằng CRM tạo nên cơ hội cho tất cả mọi người, tỉ lệ thành công sẽ tăng lên rõ rệt. Do đó, điều cần thiết là cho mọi người thấy một ví dụ thực tế, khi chia sẻ thông tin làm lợi cho toàn bộ công ty. Việc quản lý phải hướng tới mục đích xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên nền tảng lợi ích của doanh nghiệp đặt bên trên lợi ích cá nhân. Để đạt được mục tiêu này, công nhân viên - những người sử dụng CRM, phải thấy bằng chứng thực sự rằng thông tin mà họ chia sẻ được sử dụng để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, và có thêm một đối tác mới sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người trong công ty.
Nguyên nhân thất bại trong quá trình triển khai CRM
Chưa thật sự đặt khách hàng ở vị trí trung tâm:
Có thể vì quá chú trọng vào công nghệ và chiến lược, doanh nghiệp đã quên đi vị trí trung tâm của khách hàng. Để có được những thành công nhất định khi triển khai CRM, doanh nghiệp luôn cần chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ dài lâu, bền vững với khách hàng bởi CRM chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu và nắm bắt thông tin của khách hàng nhanh hơn, chính xác hơn, và quan trọng là mọi sự thay đổi, cải tiến cần bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng.
Quá vội vàng trong quá trình triển khai CRM:
Về phía doanh nghiệp, nếu trong quá trình áp dụng CRM, doanh nghiệp không chú trọng vào việc đào tạo nhân viên, trong khi nhân viên có được hiểu biết tốt nhất về khái niệm, công dụng cũng như cách thức triển khai CRM thì mới có thể phục vụ khách hàng dễ dàng, thì không thể đem lại thành công cho doanh nghiệp. Đối với khách hàng, dù doanh nghiệp có áp dụng mô hình nào, nhưng quan trọng nhất là họ không phải gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận những thông tin từ phía doanh nghiệp và được cung cấp những dịch vụ tốt nhất.
Có thể nói CRM là một chiến lược dài hạn giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu dài hạn. Do đó, khi áp dụng nó cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu được triển khai một cách hợp lý, hiệu quả, hạn chế tối đa sai sót, CRM sẽ đem lại “lợi nhuận” cho công ty, không chỉ dưới hình thức vật chất mà quan trọng hơn là sự trung thành của khách hàng. Đây mới chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp.
Lợi ích của việc triển khai CRM trên nền tảng điện toán đám mây
Điện toán đám mây là xu hướng buộc phải có của mọi ứng dụng và CRM không phải là ngoại lệ. Đến thời điểm hiện tại, các giải pháp CRM của nước ngoài gần như đã được đưa "lên mây". Hiện nay, ở Việt Nam đã có khá nhiều doanh nghiệp triển khai dịch vụ này. Lợi ích khi triển khai trên nền tảng điện toán đám mây:
- Công nghệ điện toán đám mây tạo ra một hệ thống máy chủ có tính sẵn sàng cao, an toàn và tuyệt đối bảo mật. Các tài nguyên được cấp phát và tự động điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của ứng dụng và khách hàng, nhờ vậy có thể đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của các ứng dụng dành cho doanh nghiệp
- Triển khai trên nền tảng điện đám mây rẻ hơn, an toàn hơn so với việc doanh nghiệp đầu tư riêng hệ thống máy chủ hoặc thuê dịch vụ hosting bên ngoài. Trong tương lai sẽ còn rẻ hơn rất nhiều nữa.
- Triển khai CRM trên nền tảng điện toán đám mây là cực kỳ nhanh và đơn giản: khách hàng chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ, thanh toán và ngay lập tức đã có riêng một hệ thống ứng dụng cho doanh nghiệp mình.
- Doanh nghiệp cũng không cần phải đầu tư đội ngũ nhân sự IT chuyên trách, không lo chi phí bảo trì, không lo mất dữ liệu do hệ thống được backup định kỳ và thường xuyên một cách tự động. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tập trung nhiều hơn vào giá trị sản xuất và cải tiến quy trình nghiệp vụ đồng thời tăng cao hoạt động sản xuất.
Sưu tầm